Sàn phẳng là gì? Ưu Nhược Điểm của thiết kế sàn phẳng hiện nay?

13/05/2025
Công nghệ thi công sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn đang được ứng dụng rất phổ biến tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ về công nghệ thi công sàn phẳng hiện đại này. Vậy sàn phẳng là gì, cấu tạo và ưu điểm của sàn phẳng so với sàn bê tông dầm thép là gì? Hãy cùng tìm hiểu “tất tần tật” thông tin cơ bản về sàn phẳng trong bài viết sau đây!

1. Khái niệm cơ bản về sàn phẳng

Theo thuật ngữ trong ngành xây dựng: sàn phẳng được định nghĩa là loại sàn bê tông cốt thép có sử dụng các hộp nhựa rỗng bên trong sàn giúp giảm trọng lượng của sàn. Toàn bộ tải trọng của sàn tác dụng trực tiếp lên các cột mà không được truyền qua hệ thống dầm ngang, dầm dọc như hệ sàn bê tông dầm thép truyền thống. Nhờ kết cấu này, chúng ta có thể tạo nên bề mặt sàn phẳng không dầm có độ vượt nhịp cao từ 8-25m giúp tăng tính thẩm mỹ và công năng sử dụng thực tế cho công trình kiến trúc.

Sàn phẳng còn có thể gọi bằng một số tên khác như: sàn vượt nhịp, sàn nhẹ, sàn không dầm… đây là công nghệ được các kỹ sư xây dựng hàng đầu tại châu Âu nghiên cứu và phát triển trong nhiều thập kỷ qua.  Nhờ kết cấu độc đáo, sàn phẳng không chỉ giúp tạo bề mặt sàn đẹp mà còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí nguyên vật liệu, giúp gia tăng đáng kể hiệu quả về kinh tế cho công trình, trong khi vẫn đảm bảo tốt độ bền và khả năng chịu lực nén, chịu rung lắc vượt trội hơn sàn bê tông dầm thép truyền thống.

2. Cấu tạo cơ bản của sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn

Về cơ bản, sàn phẳng không dầm vượt nhịp lớn đều có kết cấu được tạo nên bởi 3 thành phần chính như sau:

Hộp nhựa tạo rỗng: đây là thành phần tạo nên điểm khác biệt của sàn phẳng so với sàn bê tông dầm thép thông thường. Sàn phẳng sử dụng các hộp nhựa rỗng ruột được đặt với khoảng cách đều nhau giữa hai lớp thép sàn và được cố định bằng các lớp thép gia cường. Sau khi quá trình đổ bê tông hoàn tất, các hộp nhựa sẽ tạo nên các khoảng trống chứa không khí bên trong bề mặt của sàn từ đó giúp giảm từ 15-20% tổng trọng lượng của sàn.

Bê tông tươi: Sàn phẳng sử dụng bê tông tươi mác 300-350 có độ sụt phù hợp để tạo nên kết cấu vững chắc giúp tạo nên khả năng chịu lực nén và tạo độ cứng cho bề mặt sàn.

Cốt thép: Kết cấu thép sử dụng trong sàn phẳng có phần đơn giản hơn so với sàn bê tông dầm thép thông thường. Thành phần cốt thép đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các vật liệu bên trong sàn giúp tạo nên kết cấu vững chắc, hạn chế nứt vỡ và đảm bảo lực kéo cho toàn bộ bản sàn.

3. Ưu điểm công nghệ sàn phẳng

So với sàn bê tông dầm thép truyền thống, công nghệ thi công sàn hộp có nhiều ưu điểm nổi bật, cụ thể:

Tạo bề mặt sàn phẳng, vượt nhịp lớn: đây là ưu điểm nổi bật nhất của sàn phẳng. Khi sử dụng công nghệ này, đơn vị thi công có thể tạo nên các bề mặt sàn phẳng lớn có khả năng vượt nhịp từ 8-15m mà không cần sử dụng dầm giúp tăng tính thẩm mỹ cho công trình.

Giảm tải trọng cho công trình: sàn phẳng sử dụng các hộp nhựa tạo rỗng, giúp tạo khoảng trống tại các vị trí bê tông ít làm việc bên trong sàn, nhờ đó giúp giảm từ 15-20% tổng tải trọng cho sàn. Nhờ đó, có thể giảm tổng trọng lượng của công trình giúp các kết cấu chịu lực như móng và cột chịu ít áp lực hơn.

Tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu: nếu được thiết kế và thi công đúng tiêu chuẩn, sàn phẳng giúp chủ đầu tư tiết kiệm được lượng lớn nguyên vật liệu xây dựng (10-15% lượng bê tông, 15-20% chi phí thép, 20-30% chi phí coppha sàn)

Thi công nhanh hơn: quá trình thi công sàn phẳng đơn giản hơn nhiều so với sàn bê tông dầm thép thông thường giúp chủ đầu tư rút ngắn quá trình thi công và tiết kiệm được nhiều chi phí thuê nhân lực.

Bảo vệ môi trường: hộp nhựa sử dụng trong sàn phẳng được sản xuất từ nhựa tái chế góp phần giảm lượng rác thải nhựa bảo vệ môi trường. Sàn phẳng cũng sử dụng ít nguyên vật liệu xây dựng hơn nên ít tạo áp lực hơn lên môi trường.

Ngoài ra, sàn phẳng còn giúp tăng chiều cao thông thủy, giảm chi phí đi đường ống kỹ thuật, thay đổi công năng của công trình do có thể bố trí vị trí xây tường rất linh hoạt.

4. Nhược điểm công nghệ sàn phẳng

Song hành cùng các ưu điểm nổi bật, sàn phẳng cũng còn tồn tại một vài nhược điểm chính như sau:

Rỗ đáy: phần đáy hộp tiếp giáp với lớp thép đáy và coppha sàn nếu không được chèn bê tông cẩn thận trong quá trình đổ có thể xảy ra tình trạng rỗ đáy gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến độ bền của sàn.

Đẩy nổi: do có kết cấu rỗng và nhẹ, nên hộp nhựa có thể bị đẩy nổi trong quá trình đổ bê tông nếu đơn vị tư vấn hướng dẫn, chuyển giao không có kinh nghiệm hoặc nhà thầu thi công thiếu cẩn trọng, hệ quả có thể khiến bề dày của sàn tăng lên đáng kể so với thiết kế ban đầu.